Thanh Toàn là một trong 4 cây cầu ngói còn sót lại ở Việt Nam. Người dân Huế hay gọi với cái tên Cầu Ngói, tên đầy đủ là cầu ngói Thanh Toàn. Lối kiến trúc thượng gia hạ kiều (trên có nhà, dưới là cầu)
“Ai về cầu ngói Thanh Toàn,
Cho em về với một đoàn cho vui”
Cây cầu tọa lạc tại làng Thanh Thuỷ Chánh, huyện Hương Thuỷ, cách Thành Phố Huế khoảng 8Km và rất thuận tiện trong việc tham quan. Có thể đến cầu ngói theo 3 hướng: đường Bà Triệu, đường 49 và Quốc lộ 1.
CẦU NGÓI THANH TOÀN VÀ KIẾN TRÚC THƯỢNG GIA HẠ KIỀU
Lịch Sử Cây Cầu Ngói Nổi Tiếng Ở Huế
Vào thế kỷ thứ 16, một số di dân Thanh Hoá theo chúa Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp tại Thuận hoá, trong đó có 12 vị tộc trưởng về đây khai hoang lập ấp đặt tên là làng Thanh Toàn (làng toàn là người xứ Thanh?). Đến đời vua Thiệu Trị do phạm huý nên đổi thành Thanh Thuỷ.
Năm 1776, một hậu duệ đời thứ 6 của họ Trần, bà Trần Thị Đạo, đã phát tâm cúng một số tiền rất lớn cho làng xây đựng nên chiếc cầu.
Theo quan niệm của người Việt cổ, trên đời có 3 việc làm nhận được rất nhiều phúc đức là làm đường cho người đi, làm cầu cho người qua và làm nhà cho người có nơi trú ngụ.
Bà Trần Thị Đạo lấy chồng làm quan trong triều vua Lê Cảnh Hưng nhưng không có con nối dõi, để lập phúc cầu tự, bà đã vận động làm một kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu), một kiến trúc độc đáo bao hàm cả ba công dụng: là đường đi giữa làng thôn, là cầu nối đôi bờ, là nhà nghỉ khi lỡ bước!
Năm 1925, vua Khải Định phong bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần và sai lập án thờ bà ngay trên cầu. Án thờ nay vẫn còn, điểm thú vị là câu đối ở án thờ, người đời sau ân cảm việc làm ủa bà đã ca tụng bà và người có công rất thâm Thuý như sau:
“Bát Nhã tri thuỳ lực.
Như Lai kiến ngã công”
(Tạm dịch: Chỉ có trí Bát Nhã mới đánh giá hết sức lực và cũng chỉ có Đức Như Lai mới thấy hết công lao của những người làm nên chiếc cầu nầy!)
Nếu bạn có dịp ghé lại thăm chiếc cầu, xin hãy đến thắp nén nhang tưởng nhớ. Nếu bạn muốn cầu phúc, đặc biệt cầu tự, xin mách nhỏ: ‘đây là nơi linh thiêng lắm đó, thiên hạ truyền miệng như vậy!
By VM Travel