November 21, 2016
Posted by:
Hue Local
Blog Cuộc Sống
Huế tháng nầy thường mưa về sáng sớm, chiều và về đêm. Nghe tiếng mưa rơi rả rích, nhìn thành phố mù mịt trong mưa, hình ảnh người co ro đi trong mưa lạnh bao giờ cũng gợi lòng sầu.
Đạp xe đi trong mưa, lên đến cầu Xước Dũ-Long Hồ thì trời tạnh, nhìn lên dãy núi mờ xa, mây lãng đãng, không khí thật trong lành.
Về qua ngã Hương An, ghé nhà thờ giáo sứ An Vân hơn 100 năm tuổi, có kiến trúc rất gần gũi, như một cái cổng tam quan của làng xã nào.
Trang web của giáo xứ cho biết, giáo xứ được thành lập từ cuối thế kỷ thứ 18 (1775-1786), nhà thờ được xây cất từ năm 1907 trên cơ sở một ngôi nhà rường mua lại của hoàng gia sau trận bão năm Thìn ( trận bão năm 1904 thổi bay 4 vài cầu Trường Tiền).
Mặt trước nhà thờ có các hoành phi câu đối được đắp nổi bằng sành sứ. Dòng chữ chính giữa, phía trên THÁNH MẪU MÔI KHÔI THÁNH ĐƯỜNG, phía dưới là dòng chữ latin ECCLESIA SS. ROSARII (Nhà thờ rất thánh Môi Khôi). Mình chú ý đến gác chuông, trong đó có một đại hồng chung treo trên giá gỗ, được chạm khắc hoa văn dây nho và hoa lá, chuông đúc năm Tự Đức thứ 29 để tạ ơn Đức Mẹ nhân dịp vua có dụ tha đạo.
Nhà thờ vắng vẻ, yên lặng trong một khuôn viên rất rộng sum xuê cây trái. Nghỉ một lát rồi lên đường trở lại thành phố, qua Cổ Bưu mưa lại rơi tầm tã.
“Chiều nay mưa trên phố Huế, biết ai đã quên ai rồi”?
Sơn Phan Thanh
fb.com/son.phanthanh.796
Bác Sĩ Phan Thanh Sơn là ai?
Bác Sĩ Phan Thanh Sơn, sinh Năm 1954, làm việc và công tác tại Trường Đại Học Y Khoa Huế từ 1985 đến 2015. Một Bác sĩ, một người thầy giáo, một người bạn, và hơn nữa là một người con của Huế, nặng lòng với Huế, trải qua gần hết cuộc đời gắn liền với Huế. Thầy có rất nhiều bài về Huế được đăng trên Tạp Chí Kiến Thức Ngày Nay. Khi đã về hưu, thầy cùng với chiếc xe đạp của mình viết nên cuốn Nhật Ký Lang Thang. Nếu là một bác sĩ đã từng học tại Huế từ năm 1985 đến năm 2015, không ai là không biết và không nhớ tới Thầy Sơn mập, một chút nghiêm khắc nhưng cực kỳ vui vẻ và thân thiết qua các thế hệ sinh viên. Cuốn Nhật Ký Lang Thang được viết hầu hết dành cho Huế, như cuộc đời thu nhỏ của Thầy, trong đó có vui, có buồn, có suy nghĩ, có thổn thức tâm trạng dành cho Huế xưa đến Nay. Huế không chỉ có đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, hãy đọc Nhật Ký Lang Thang và cảm nhận được có một Huế rất khác so với bạn nghĩ.
Bạn có thể tìm hiểu tất cả bài viết của Bác Sĩ, Thầy Giáo Phan Thanh Sơn tại đây: Bác Sĩ Sơn
November 21, 2016
Previous Story
NHẬT KÝ LANG THANG 5: Sau Đồi Thông Chùa Từ Hiếu
Next Story
NHẬT KÝ LANG THANG 7: Sông Ngự Hà, Lầu Tàng Thơ
0