NHẬT KÝ LANG THANG 12: Tia Nắng Hiếm Hoi Mùa Đông

NHẬT KÝ LANG THANG 12: Tia Nắng Hiếm Hoi Mùa Đông

5 (100%) 2 votes



Huế có câu nói rất thú vị: “mưa thúi đất!”, để nói về cái mưa dầm dề từ ngày nầy qua ngày khác, làm cho đất như bị ngâm trong nước, mà cái gì bị ngâm trong nước lâu ngày cũng sẽ bị thối rã ra!
Nói một cách khác, như cái cách tiếu táo, nghịch ngầm của người Huế thì “Huế chỉ mưa một tháng một lần nhưng một lần mưa thì kéo dài cả tháng!”
Đất Huế chỉ để thương để nhớ khi đã rời xa chứ ở thì rất…chán! Rứa mà mình vẫn cứ thích bởi vì chỉ sau khi đã cắn răng chịu đựng những cơn mưa lạnh kéo dài ấy, ta mới biết quí trọng những tia nắng ấm hiếm hoi của mùa Đông ở đây. Hôm nay là một ngày như vậy!

nhat-ky-lang-thang-12-1
Mưa từ trước Noel, bữa ni trời hửng nắng, lại đạp xe lang thang trên các nẻo đường xứ Huế, cột cờ Phu Văn như sáng lên bên hàng sứ trơ trụi lá, nhìn ngôi nhà bia nhỏ có khắc bài thơ Hương giang hiểu phiếm của vua Thiệu Trị chợt nhớ mình có lang thang đâu cũng chỉ quanh quẩn bên dòng Hương. Khi thì ở trên thượng lưu, lúc thì ở dưới hạ lưu, khi bên tả ngạn, khi bên hữu ngạn,..dòng sông ôm trọn đất kinh kỳ!

Nhà bia Hương giang hiểu phiếm
Buổi sáng đi thuyền trên sông Hương
Một dải sông sâu bọc đế thành
Dòng trong hây hẩy gió mai lành
Lặng yên sóng khói xuân lồng sắc
Xao tiếng chèo bơi gió giuc nhanh
Cây bến láng lai đầm móc ướt
Hoa rừng lưu luyến quyện vân anh
Thuyền về khúc hát còn dang dở
Cửa khuyết trời Đông đã sáng banh!
(Thiên Nhất Phương dịch)

Nhà bia Hương giang hiểu phiếm
Nhà bia Hương giang hiểu phiếm

Bài thơ của vua nên được khắc vào bia đá, lưu lại cho mai hậu, vua làm thơ chưa chắc đã hay bằng người dân bình thường. Mình thích cụ Nguyễn Du hơn, mặc dù thơ của cụ không được trang trọng khắc vào bia:

Nhà bia Hương giang hiểu phiếm
Nhà bia Hương giang hiểu phiếm


“Hương giang nhất phiến nguyệt,
Kim cổ hứa đa sầu!”

(Tạm dịch: Chỉ một mảnh trăng trên dòng Hương,
mà đã gieo không biết bao nhiêu mối sầu từ xưa cho đến nay), tất nhiên chỉ đối với nhà thơ và với những ai yêu thơ mà thôi! Thi sĩ Nguyễn Bính sau nầy không hẹn mà gặp, đúng là tri âm tri kỷ:


“Mùa thu hoa cúc lại tàn,
Thuyền ai buộc mãi bên làn cây cong.
Gười về để lạnh phòng không,
Thu rơi từng cánh cho lòng nhớ thương.
Có người cung nữ họ Vương,
Lên lầu nhìn dải sông Hương nhớ…nhà!”

Thượng nguồn sông Hương (đoạn cầu Tuần)
Thượng nguồn sông Hương (đoạn cầu Tuần)


Nói như Bùi Giáng, sông Hương vẫn còn đó, núi Ngự vẫn còn đây, vậy mà biết bao vật đổi sao dời!!!


“Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương!”

nhat-ky-lang-thang-12-5

Bờ Bắc sông Hương (Tả ngạn, đoạn Long Hồ)
Bờ Bắc sông Hương (Tả ngạn, đoạn Long Hồ)
Giữa dòng Hương (đoạn Vọng Cảnh)
Giữa dòng Hương (đoạn Vọng Cảnh)
Trăng treo đỉnh Ngự
Trăng treo đỉnh Ngự

Cuộc đời thường mà vô thường, đạp xe về khi trăng đã neo trên đỉnh Ngự…

Sơn Phan Thanh

fb.com/son.phanthanh.796

Bác Sĩ Phan Thanh Sơn là ai?

Bác Sĩ Phan Thanh Sơn, sinh Năm 1954, làm việc và công tác tại Trường Đại Học Y Khoa Huế từ 1985 đến 2015. Một Bác sĩ, một người thầy giáo, một người bạn, và hơn nữa là một người con của Huế, nặng lòng với Huế, trải qua gần hết cuộc đời gắn liền với Huế. Thầy có rất nhiều bài về Huế được đăng trên Tạp Chí Kiến Thức Ngày Nay. Khi đã về hưu, thầy cùng với chiếc xe đạp của mình viết nên cuốn Nhật Ký Lang Thang. Nếu là một bác sĩ đã từng học tại Huế từ năm 1985 đến năm 2015, không ai là không biết và không nhớ tới Thầy Sơn mập, một chút nghiêm khắc nhưng cực kỳ vui vẻ và thân thiết qua các thế hệ sinh viên. Cuốn Nhật Ký Lang Thang được viết hầu hết dành cho Huế, như cuộc đời thu nhỏ của Thầy, trong đó có vui, có buồn, có suy nghĩ, có thổn thức tâm trạng dành cho Huế xưa đến Nay. Huế không chỉ có đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, hãy đọc Nhật Ký Lang Thang và cảm nhận được có một Huế rất khác so với bạn nghĩ.

Bạn có thể tìm hiểu tất cả bài viết của Bác Sĩ, Thầy Giáo Phan Thanh Sơn tại đây: Bác Sĩ Sơn

Bình Luận

comments